Đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc quần thể vịnh Hạ Long. Nằm cách nội thành Hải Phòng 40 km, Cát Bà hội tụ đầy đủ các yếu tố hấp dẫn của du lịch. Đó là vịnh Lan Hạ đẹp như mơ với nhiều bãi tắm nước trong và mặn: Cát Cò 1, 2, 3, 4, Cát Ông, đảo Khỉ. Rừng Quốc gia Cát Bà đã được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển cùng loài Voọc đầu trắng quý hiếm trong sách đỏ. Hệ thống hang động, di chỉ lịch sử Cái Bèo, làng nổi và bản sắc văn hóa đặc thù đã tạo nên một đảo Ngọc Cát Bà.
Bản đồ Cát Bà
Giao thông ra Cát Bà có nhiều cách. Nếu không đi từ đảo Tuần Châu sang, cách nhanh nhất là bằng tầu cao tốc chạy lúc 9h hàng ngày. Đi từ bến Bính mất 45 phút, tầu chợ sẽ mất hơn 2 tiếng. Nếu tự lái hoặc đi xe theo đoàn ra Cát Bà bằng đường bộ sẽ phải qua 2 lần phà, chờ đợi rất sốt ruột và vất vả. Nếu đi lẻ, cách thuận tiện nhất là mua vé trọn gói xe Hoàng Long từ bến xe Lương Yên. Đến Đình Vũ, nhà xe sẽ chuyển tiếp sang đảo bằng tầu cao tốc, rồi lại lên ô tô về Cát Bà. Cách này không vất vả lắm mà lại được khám phá con đường xuyên đảo hùng vĩ, qua khu Tùng Long với ruộng muối, đầm tôm, rừng đước cùng câu chuyện về loài thủy quái khổng lồ. Con đường này nếu bán vé thắng cảnh cũng xứng.
Vịnh Cát Bà nhìn từ sân bay trực thăng.
Vào ngày 1/4 hàng năm, ngày kỷ niệm Bác Hồ ra thăm đảo, Cát Bà thường tổ chức lễ hội rất lớn với môn đua thuyền không thể thiếu. Tên gọi Cát Bà được kể lại rằng, từ thế kỷ 12, vua tôi nhà Trần đã chia đảo chuyên dành cho các ông, đảo chuyên dành cho các bà để tập kết vũ khí, chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng. Đảo Các Ông, Các Bà, sau này gọi chệch thành Cát Ông, Cát Bà là vì thế.
Người Cát Bà tự hào về thị trấn như một Hồng Kông thu nhỏ, với rất nhiều khách sạn, nhà hàng. Hy vọng vẻ sầm uất sẽ không phá vỡ không gian và bản chất con người nơi đây. Người Cát Bà tương đối thuần khiết, dễ chịu. Xe máy để không sợ mất (chắc vì khó mang ra khỏi đảo), giá xe ôm đi từ khách sạn ra bãi biển hay đến chợ đều rõ ràng, không lo bị chặt chém...
Con đường chính của thị trấn khi mới được mở rộng.
Toàn cảnh con đường sạn đạo treo trên vách núi, nối các bãi tắm Cát Cò 1, 2, 3
Đường ra bãi tắm Cát Cò thênh thang hút gió, có bậc thang xuống bãi biển đang rì rào mời mọc, mầu nước biển xanh thẳm, quyến rũ lạ lùng.
Bãi tắm này gắn liền với một truyền thuyết buồn kể rằng, một ngày nọ, các nàng Tiên trên trời vén mây nhìn xuống, thấy bãi tắm tuyệt đẹp bèn rủ nhau xuống chơi. Mải nô đùa, trời tối lúc nào không hay, các nàng mới vội vã về trời. Nàng tiên út tên là Hải Thanh không may đánh rơi guốc nên phải quay lại lấy. Trời tối hẳn và bị cha phạt, nàng không thể về lại trời được nữa để rồi hóa thành ngọn núi Hải Thanh, hiện còn đứng giữa bãi tắm. Chiếc guốc của nàng khi rơi xuống còn chổng ngược giữa biển và có tên là hòn Guốc.
Toàn cảnh bãi tắm Cát Cò 2
Vào đầu hè, những bông hoa vông nở đỏ rực, nổi bật trên bát ngát một màu xanh của rừng và biển.
hay nằm dài đọc sách là cách mà các du khách nước ngoài ưa thích
Chèo thuyền kayak khám phá xung quanh
sát cạnh bãi tắm Cát Cò 2 là bãi Cát Cò 4 bị bỏ quên, rất hoang sơ với những vách núi kỳ bí và vài xác con tầu chết, cho ta cảm giác như trong một bộ phim huyền bí nào đó ở xứ sở Amazon.
Buổi tối, khi lên đèn, con đường sạn đạo trở lên lung linh, huyền ảo
Ngay trên bãi tắm, là đêm lửa trại với các món nướng, từ hải sản đến đồng quê như ngô, khoai, sắn...
Nếu thích, có thể thuê lều ngủ ngay trên bãi biển để hôm sau dậy sớm đón bình minh lên.
Và tập thể dục sớm bằng cách leo lên đỉnh ngọn Hải Thanh, phóng tầm mắt ra xa, ngắm toàn cảnh vịnh Lan Hạ với hòn Thớt, hòn Tầu chiến (thời chiến tranh chống Mỹ, quân đội ta đã ngụy trang hòn đảo nhỏ này như một con tầu chiến và đã hút rất nhiều bom Mỹ dội xuống đây)
Xa xa là hòn Guốc
Toàn cảnh Bến Bèo cũng là di chỉ khảo cổ học Cái Bèo. Từ đây có cảng tầu du lịch đưa ta ra thăm vịnh Lan Hạ.
Trước tiên, hãy ghé thăm làng cá, làng bè nổi nổi tiếng với nghề nuôi cá lồng, ngọc trai.
Vịnh Lan Hạ đẹp như cảnh thần tiên với vách núi dựng đứng, các bãi tắm hoang sơ và đặc biệt là những rặng san hô đầy mầu sắc.
Cụ rùa này chắc chắn nhiều tuổi và đồ sộ hơn cụ rùa hồ Gươm.
Rặng dứa biển cổ thụ trên bãi biển vô vàn mảnh san hô giải thích tại sao đảo có tên gọi Cát Dứa. Quả dứa này có tác dụng chữa bệnh gan, thận rất tốt.
Và đây, lý do có tên gọi đảo Khỉ...
Phút giây thư giãn thật tự nhiên, thoải mái của vị khách châu Âu này.
Điều thú vị nữa của Cát Bà là rất nhiều cây Phong ba, loài cây tưởng như chỉ có ở Trường Sa.
Tạm biệt biển, đã đến lúc khám phá rừng quốc gia Cát Bà. Phải đi từ rất sớm, vượt qua 9 ngọn núi từ cửa rừng để theo đường mòn đến làng Việt Hải. Khu trưng bầy của vườn Quốc gia có một số tiêu bản thú lớn, voọc đầu trắng, các loại bướm và rừng Kim Giao đặc trưng, loại gỗ vua chúa xưa thường dùng làm đũa để thử xem có thuộc độc hay không.
Liệu ở khu rừng này còn hổ hay thú dữ không nhỉ, khu bảo tồn quốc gia cơ mà. Khách du lịch châu Âu rất hay hỏi câu này. Người đi lên hỏi người đi xuống. Người đi xuống phều phào mà rằng "nhiều, nhiều lắm, toàn Gấu Bắc Cực". Còn người Việt Nam thì thi thoảng thấy đôi ba con sóc tít trên ngọn cây liền chỉ trỏ, rú lên mừng rỡ "quý quá, hiếm quá" làm mấy vị khách tây ngơ ngác "bên tao, công viên, đường phố, đầy!".
Đây cũng là vật thể lạ được phát hiện giữa rừng, đủ để biết con đường đi như thế nào
Bù lại, cảnh quan thật hấp dẫn và đa dạng, lúc vượt đá tai mèo, lúc qua giữa thung lũng và rồi, ngạc nhiên chưa?.....
Trên đỉnh núi là cái ao quanh năm ngập nước có tên ao Ếch. Rừng cây mọc lên từ đáy hồ xanh ngắt, ếch kêu ộp oạp suốt ngày.
Trên đỉnh núi là cái ao quanh năm ngập nước có tên ao Ếch. Rừng cây mọc lên từ đáy hồ xanh ngắt, ếch kêu ộp oạp suốt ngày.
Trên đường hãy dừng chân ở đỉnh Hải Quân, ngắm toàn cảnh biển cả bao la hùng vĩ trước khi đến được Việt Hải. Ngôi làng heo hút, biệt lập khỏi Cát Bà, không có đường vào và trước đây cũng không có điện... Người dân sống theo kiểu tự sản, tự tiêu. Họ đập lúa ngay giữa đồng.
Mèo rừng hay mèo nhà?
Tạm biệt Việt Hải, may mắn là không phải leo núi ngược ra. Đi bộ khoảng vài km, qua mấy cái hang luồn là đến bến thuyền để đưa ta trở lại Cát Bà. Do nằm sâu trong lạch heo hút, cảnh vật nơi đây luôn chứa đựng nỗi buồn man mác.
Trước khi tạm biệt Cát Bà, phải chuẩn bị chút quà lưu niệm và thỏa mãn thú shopping chứ nhỉ. Ngọc trai, vỏ ốc biển là những thứ được ưa chuộng nhất, nhưng cẩn thận không có chỉ mua được ngọc trai nhựa.
Chợ Cát Bà có đặc sản là các loại hải sản tươi sống: cua, ghẹ, bề bề, tôm, tu hài, mực, cá song, cá giò, thu. Hàng khô có cá thu, cá ruội, tôm nõn, nước mắm...(thật tuyệt nếu mua được nước mắm chắt)
Tôm bột, loại tôm bắt được ngoài biển, không phải được nuôi tại đầm, bãi. Thịt dai, có vị ngọt, thơm.
Đặc sản khác của Cát Bà có gà Liên Minh, giống gà chuyên sống trên cây, phải đặt trước mới mua được do không thể bắt vào ban ngày. Có câu chuyện vui người xã Liên Minh kể rằng, con gà trống khi đã bị cắt tiết, quẳng ra sân giếng để chuẩn bị làm lông, vậy mà thấy ả gà mái lượn qua, chàng ta còn vùng dậy, ấy một cái mới mới chịu nghẻo hẳn.
Rau muống xào cũng rất đặc biệt, vừa xanh, vừa giòn. Gia đình ông khách VIP Hàn Quốc nọ ăn xong còn chở về cả một cốp xe Lexus toàn rau muống tươi. Thịt dê núi, mật ong, rượu tàng ong cũng là thứ đáng thưởng thức tại chỗ hoặc mua về làm quà.
Đến Cát Bà thích nhất là vào giữa tháng tư hoặc giữa tháng 9, khi mà tiết trời đủ ấm để vùng vẫy với sóng biển, đủ nắng để phơi mình mà không lo cháy da, đủ người vào ra để không bị quá lẻ loi hay bực bội do quá tải. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ của Cát Bà sẽ ngày càng tốt, nhưng hãy đừng làm mất đi cảnh quan thiên nhiên và nét đẹp văn hóa rất riêng nơi này %
hay
Trả lờiXóa